Một người nông dân khi muốn bắt tay vào sản xuất hữu cơ hoặc chuyển đổi từ trồng trọt thông thường sang hữu cơ có thể sẽ suy nghĩ nhiều về vấn đề kiểm soát sâu bệnh hại. Phương pháp thông thường mà người nông dân thường thực hiện là sử dụng các loại chất hoá học hoặc hữu cơ để trị hết sâu bệnh. Tuy nhiên, cách làm này không giải quyết được cốt lõi vấn đề, vì sâu bệnh vẫn bùng phát hết mùa này sang mùa khác, sử dụng liên tục lại khiến sâu bệnh kháng thuốc, và chúng ta vẫn phải sử dụng các chất bảo vệ thực vật khác vào vườn cây, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng tới chất lượng nông sản. Kiểm soát sâu bệnh hại có nhiều cách, dưới đây là cách kiểm soát sâu bệnh hại của tụi mình:
1️⃣ Lấy đất làm gốc: Cải tạo đất là cốt lõi trong nông nghiệp hữu cơ, đất tác động trực tiếp lên sự sinh trưởng của cây trồng, đất khỏe cây sẽ khỏe. Cây khoẻ sẽ có sức đề kháng tốt trước sâu bệnh hại. Bệnh, côn trùng chỉ tấn công được cây yếu. Nên cải tạo đất là nguyên lý hàng đầu cho việc phòng hay chống sâu bệnh.
2️⃣ Luân canh cây ngắn ngày: Cây ngắn ngày luôn được luân phiên thay đổi trên cùng một vị trí đất, biện pháp này giúp phòng ngừa sự bùng nổ sâu bệnh rất hiệu quả, vì mỗi nhóm cây trồng sẽ thu hút những loại côn trùng và bệnh hại khác nhau nên không có loại sâu hay bệnh hại đặc biệt nào vượt qua tầm kiểm soát.
3️⃣ Thường xuyên quan sát, theo dõi cây trồng để phát hiện nguy cơ sớm mà kịp thời xử lý trước khi sâu bệnh bùng phát.
4️⃣ Nhờ vào thiên địch: Sâu bệnh hại cũng có thể được kiểm soát tự nhiên nhờ hoạt động của mạng lưới thức ăn. Côn trùng, sâu bệnh ăn cây trồng thì cũng có những loại thiên địch chuyên dùng chúng làm thức ăn. Như bọ rùa ăn rầy mềm và các loại rệp; Kiến vàng ăn sâu vẽ bùa,… Một số loại nấm ức chế sinh trưởng của nấm bệnh,… Đó là lý do vì sao chúng mình hay nhắc tới đa dạng sinh học trong vườn cây, vì nhờ duy trì được sự đa dạng cây trồng mà các loại côn trùng và nấm cũng có điều kiện để phát triển đa dạng, loại này kìm hãm loại kia, tạo nên sự cân bằng, khiến 1 loại sâu bệnh hại nào đó khó có thể bùng phát với mật độ lớn. Mặc dù vẫn luôn có sâu bệnh trên vườn cây nhưng luôn ở mức độ chấp nhận được với cây trồng. Nên tụi mình luôn yên tâm vì không phải chiến đấu một mình.
Trên đây là các cách cơ bản mà nông dân tụi mình thường làm, mong nó giúp ích được cho các bạn. Mùa mưa ở Tây Nguyên đến rồi đấy các bạn ạ (thường rơi vào tháng 5 đến tháng 10 hằng năm)! Nhờ vào lượng mưa dồi dào mà cây trồng sinh trưởng rất nhanh nhưng cũng là lúc mà sâu bệnh hại xuất hiện nhiều nhất. Nhờ vào số liệu theo dõi hàng năm mà tụi mình nắm được nhịp độ sinh trưởng của trang trại nên cũng lên kế hoạch chuẩn bị phòng bệnh cho cây. Vì phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh mà. Nếu bạn thấu hiểu những rủi ro từ trang trại của tụi mình thì bạn sẽ càng thêm quý những nông sản mà tụi mình làm ra. Đúng không các bạn?